Từ những chiếc thau nhựa tới những phát minh vô cùng hiện đại để thắp sáng đèn LED:
28 hộ dân ở xóm ven sông này, mỗi nhà có một hoàn cảnh khác nhau nhưng ở họ có một điểm chung là không ai khá hơn ai, cả xóm đều nghèo như nhau. Trước dây để có điện sử dụng trong những nhu cầu cấp thiết nhất hàng ngày họ phải bỏ ra một số tiền khá đắt và chi phí hao tốn đường dây hàng tháng. Với những hộ nghèo như thế – gánh nặng lại càng thêm gành nặng.
Người dân ở xóm ven sông tự phát này chuyên bán đồ gốm sứ thuộc địa phận phường Quảng Bá, quận Tây Hồ vẫn gọi những tuabin này là những “cánh gió hoa đỏ”. Bãi giữa sông Hồng vốn ngút ngàn gió trời. Trời xẩm tối, ông Trần Văn Xuân (gia đình đầu tiên được lắp tuabin điện gió) đang kiểm tra lại ắc quy tích điện. Ông Xuân nói: “Ắc quy đầy rồi, có thể chiếu sáng suốt buổi tối nay”…
2 tháng trước, xóm ngụ cư này có những vị khách đặc biệt đến thăm. Kiến trúc sư Lê Vũ Cường và cộng sự đến từng hộ gia đình giới thiệu về mô hình năng lượng sạch từ gió của mình. Ai cũng hoài nghi bởi hình ảnh những chiếc tuabin lạ lẫm với sự xuất hiện của những chiếc… chậu nhựa. Ông Trần Văn Xuân chia sẻ: “Lúc đầu chúng tôi không tin những cánh quạt bằng chậu này có thể làm ra điện. Nhưng trước sự quả quyết, kiên trì thuyết phục của anh Cường và bạn bè, chúng tôi đồng ý để lắp thử nghiệm hệ thống này”.
Kiến trúc sư Lê Vũ Cường, người mang hệ thống điện gió táo bạo này đến với người dân nghèo cho biết, trước khi lên ý tưởng có vẻ khó tin này, anh và các cộng sự đã ra khu vực xóm ven sông rất nhiều lần để khảo sát, đo đạc. Theo những số liệu của anh, khu vực bãi giữa sông Hồng có tốc độ gió trung bình khoảng 3m/s có thể triển khai các mô hình điện gió quy mô nhỏ. “Nhiều người nghi ngờ mô hình này của chúng tôi, nhưng khi những cánh gió quay tít, bóng đèn sáng lên, nhìn những nụ cười của các em nhỏ mà chúng tôi mừng chảy nước mắt”
Hiện nay có 10 hộ gia đình ở đây được lắp đặt các tuabin gió độc đáo này miễn phí. Mỗi tuabin có 3 phần: cánh là chậu nhựa màu đỏ, trục quay bằng nhôm không gỉ và môtơ từ máy in hỏng. Hệ thống điện gió hoạt động theo nguyên tắc rất đơn giản. Khi có gió, hệ cánh gió sẽ quay làm trục môtơ quay, tạo ra điện năng.
Lượng điện năng này được lưu trong bình ắc quy và sử dụng cho đèn chiếu sáng trong nhà. Hệ thống chiếu sáng gồm 1 bóng đèn LED công suất 9W có độ sáng tương đương bóng đèn sợi đốt 60W thông thường. Tuy nhiên, số lượng bóng đèn có thể tăng thêm 1 – 2 bóng tùy thuộc vào nhu cầu của người sử dụng.
Tuabin gió sản xuất điện đủ dùng trong khoảng 3-4 giờ/ngày phụ thuộc vào tốc độ gió. Người dân cho biết, kể cả những ngày ít gió, những tuabin này vẫn có thể thắp sáng bóng đèn được hơn 3 giờ đồng hồ từ ắc quy lưu điện. “Chúng tôi mong muốn mô hình này có thể tăng công suất hoặc lắp đặt thêm để bổ sung, kết nối tạo ra nguồn điện mạnh hơn để có thể chạy thêm một số thiết bị như quạt, nồi cơm điện. Đó là món quà ý nghĩa nhất với những người lao động nghèo chúng tôi”, ông Xuân tâm sự.
Cánh gió đón hy vọng
Cách đây không lâu, khi biết tin Quỹ Live & Learn Việt Nam, Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia có mở hồ sơ tài trợ cho các dự án năng lượng sạch, kiến trúc sư Lê Vũ Cường đã không ngừng nghiên cứu và học hỏi các mô hình điện gió quy mô nhỏ, áp dụng trong các đô thị trên thế giới. Mô hình thì có nhiều nhưng đa số không phù hợp với đặc thù của Hà Nội.
Đặt ra những tiêu chí cụ thể hướng đến những người dân nghèo như dễ lắp đặt, giá thành rẻ, dễ sử dụng… Ý tưởng độc đáo đến khi kiến trúc sư Lê Vũ Cường nhận thấy ở cái xóm nghèo ven sông này có rất nhiều chậu nhựa. “Chậu nhựa làm bằng nhựa PP nên có độ dẻo, độ bền tương đối trong mọi điều kiện thời tiết. Tôi quyết định sẽ làm cánh gió bằng những chiếc chậu nhựa, một vật dụng gần gũi, giá rẻ”, kiến trúc sư Lê Vũ Cường nhớ lại.
Mang hồ sơ dự án với ý tưởng đặc biệt của mình đến Quỹ đầu tư, kiến trúc sư Lê Vũ Cường được duyệt ngay, tuy nhiên số tiền tài trợ chỉ hạn chế ở mức 10 triệu đồng. Không nản lòng, kiến trúc sư Lê Vũ Cường cùng các cộng sự quyết định, trước mắt làm ngay 10 bộ tuabin gió cho 10 hộ dân ở xóm ngụ cư ven sông. 2 tháng nay, kiến trúc sư Lê Vũ Cường vẫn thường xuyên qua lại, hỏi thăm, đo đạc các thông số cũng như kiểm tra từng con ốc vít để không ngừng hoàn thiện tuabin điện gió đặc biệt của mình.
Tuabin đã làm ra điện, đã thắp sáng những con thuyền sắt cũ kỹ, kiến trúc sư Lê Vũ Cường vẫn tất tả ngược xuôi để xin thêm nguồn tài trợ để lắp đặt và nhân rộng mô hình đến với những người dân nghèo. “Hiện nay giá thành một bộ tuabin gió khoảng 1 triệu đồng. Giá vẫn còn cao do sản xuất số lượng ít, tôi mong muốn giảm giá thành hơn nữa. Mỗi hệ thống này nếu ở mức giá 400.000-500.000 đồng sẽ đến được với nhiều người dân hơn”, kiến trúc sư Lê Vũ Cường chia sẻ.
Nhìn từ trên cao, thành phố với những nóc nhà khu tập thể, chung cư, những triền đê ngút ngàn gió trời, kiến trúc sư Lê Vũ Cường vẫn đang tìm tòi phương pháp tăng công suất mô tơ điện gió để người dân có thể sử dụng thêm nhiều mục đích ngoài chiếu sáng. Anh chia sẻ: “Tôi tin tưởng những mô hình nhỏ như của tôi sẽ thành công. Điện gió và năng lượng mặt trời là những nguồn năng lượng sạch rất cần cho đô thị văn minh tương lai. Tôi chọn những chậu nhựa màu đỏ vì đó là màu của hy vọng và sự sống, hơn cả nó gánh bớt sự vất vả cho những người dân nghèo”…
Nguồn: Báo An Ninh Thủ Đô